Ta hay lầm tưởng về những gì mình muốn, ta lầm tưởng thứ mình muốn là thông tin và tri thức, nào có phải thứ ta mong muốn sở hữu là trí tuệ cơ, có sự khác biệt giữa hai khái niệm này, thông tin là một đóng hỗn độn các dữ kiện trong khi tri thức là một đóng hỗn độn có trật tự hơn còn trí tuệ nó giúp ta bóc tách và lý giải các dữ kiện và trên hết gợi cho ta hướng tốt nhất mà ta có thể sử dụng chúng.
Công nghệ thời nay dụ dỗ ta tin rằng triết học không còn sức nặng nữa. Ai cần tới các triết gia khi đã có thuật toán chứ? Công nghệ đã quá vượt trội trong việc trả lời những câu hỏi đời thường nhỏ nhặt.
Có nhiều hiểu lầm về triết học vì những tựa đề “thế giới có phải một ảo ảnh” hay “cái có thật có phải sự thật không” những tựa đề như thế này là những ví dụ điển hình cho những cái không ổn ở triết học. Chúng hỏi những câu hỏi ngớ ngẩn không tài nào biết đường trả lời.
Có sự khác biệt giữa triết học và những môn khác. Nó không phải là một tổ hợp những tri thức mà là một phương pháp tư duy – một cách tồn tại trong thế giới. Nó không đặt ra câu hỏi “cái gì” hay “tại sao”, mà là “làm cách nào”.
Làm cách nào. Đó là cụm từ không mấy người thời nay xem trọng. Trong thế giới sách vở, sách hướng dẫn làm cách nào là một nổi hổ thẹn, như một người anh em họ thành công nhưng lỗ mãng trong gia đình. Thể loại mà nhà văn nghiêm túc thì không viết, độc giả nghiêm túc thì chẳng đọc (ít nhất thì họ không chịu thừa nhận như thế). Thế nhưng hầu hết chúng ta không thao thức về đêm để tự vấn “bản chất của hiện thực là gì?” hay “tại sao lại có vật chất thay vì hư không?” Câu hỏi làm-cách-nào chẳng hạn như “làm sao để sống cuộc đời ý nghĩa?” “làm sao để thành công?” – mới là thứ bám riết không ngừng lấy ta.
Có một đúc kết của tác giả Daniel Klein về triết lý của triết gia Hy Lạp cổ Epicurus, đồng thời áp dụng cho những triết lý đáng tâm đắc khác đó là: hãy đọc chúng dưới dạng “thi ca nâng tầm cuộc sống” thay vì dưới dạng triết học.
Quá nhiều người trong số chúng ta (trong đó có tôi) vui vẻ ca hát, chất đầy những ngóc ngách đầu óc bằng những điều tủn mủn và ngô nghê, như thể ta có trong tay tất cả thời gian trên thế giới. Mà thực ra chúng ta không có đâu. Tôi chắc chắn là không có.
Cuộc đời tôi không phải là vấn đề hay đúng hơn là chưa phải, nhưng tôi cảm nhận hơi thở thời gian nóng rẫy đang phả rất gần mình và mỗi ngày lại lấn át hơn một chút. Tôi muốn – không đúng hơn là tôi cần – được biết điều gì là quan trọng và điều gì không trước khi mọi thứ trở nên quá muộn.
Triết học của Epicurus
Epicurus là một người theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Ông cũng tin rằng ta biết về thế giới chỉ duy nhất thông qua các giác quan, không hơn. Các giác quan có thể không hoàn hảo, nhưng trên đời ngoài chúng ra không còn nguồn kiến thức nào đáng tin cậy và bất cứ kẻ nào nói khác đi chẳng qua đang ảo tưởng, không thì đang cố mời mọc ta mua gì đó.
Là một người có mắt quan sát sắc sảo về hành vi con người. Ông đã nghiên cứu người dân Athens và ở khắp nơi, ông đều bắt gặp những con người đã đủ đầy: đủ thức ăn, đủ tiền bạc và chắc chắn không thiếu văn hoá. Vậy tại sao họ vẫn không hạnh phúc?
Epicurus tiếp cận bí ẩn này như một thầy thuốc điều trị cho một bệnh nhân với các triệu chứng không thể lý giải. Triết học, ông nói – nên được phân phát như những liều thuốc cho tâm hồn. Như thuốc men, triết học phải được hấp thu đều đặn với liều lượng quy định. Và tương tự triết học cũng tiềm ẩn những tác dụng phụ: chóng mặt, mất phương hướng, đôi khi xuất hiện cả các cơn kích động.
Mục đích của triết học theo ông là duy trì hạnh phúc, một cuộc sống thanh bình không có nỗi đau và sự sợ hãi. Sự sợ hãi lớn nhất mà nhiều người mắc phải là sợ cái chết, Epicurus căn dặn chúng ta hãy thư giãn. Đúng là chết đi có thể đau đớn đấy, ông thừa nhận, nhưng những nổi đau như thế tự có giới hạn và không kéo dài vô tận. Hoặc nó lắng xuống hoặc bạn chết hẳn. Dù kết cục nào đi chăng nữa cũng không có gì phải sợ.
Tôi thấy ý tưởng này như phần lớn triết lý của ông nghe hợp lý về mặt lý thuyết nhưng khó áp dụng trong thực tế. Viễn cảnh không có mặt trên đời nữa khiến tôi đâm hoảng. Và tôi ngờ rằng cảm giác hoảng hốt ấy sẽ vĩnh viễn không mất đi.
Thư giãn nào, Epicurus lại lên tiếng, và hưởng thụ thôi. Ông chủ trương rằng sự hưởng lạc là “khởi đầu và kết thúc của cuộc sống hạnh phúc”, bổ sung thêm đầy khiêu khích “tôi chẳng thể biết liệu mình còn cách nào để nhận thức được những điều tốt đẹp một khi tôi lấy đi lạc thú trong hương vị, tước đi khoái cảm của tình dục, dập tắt niềm vui khi lắng tai nghe và xoá bỏ những cảm xúc ngọt ngào trước những dáng hình đẹp đẽ.”
Chẳng trách Epicurus lại bị phỉ báng tệ hại đến vậy. Khoái lạc là một đối tượng đầy khả nghi. Nó trú ngụ trong bóng tối, đằng sau cánh cửa đóng kín. Khi ta nói đến những thú vui “bí mật” hay “thầm kín”, ta đang ngầm thừa nhận một nỗi hổ thẹn gắn liền với thứ cảm xúc nguyên sơ nhất của bản năng con người.
Epicurus lại không thấy thế. Ông coi khoái lạc là của cải quý giá nhất trần đời. Bất kì điều gì khác, danh tiếng, tiền bạc và thậm chí cả đức hạnh chỉ quan trọng chừng nào chúng còn làm tăng thêm lạc thú. “Tôi phỉ nhổ vào những người được trọng vọng và những kẻ tán tụng họ mù quáng”. Sự hưởng lạc là điều duy nhất chúng ta khao khát vì giá trị của nó chứ không vì bất kỳ điều gì khác nó mang lại. Tất cả mọi thứ khác ngay cả triết học chỉ thuần là phương tiện phục vụ cho cái đích hưởng lạc đấy mà thôi.
Hiển nhiên, lạc thú đã luôn chiếm vị thế tối cao. Trẻ con phản ứng với điều gì? Câu trả lời là niềm vui thích và nổi đau. Bạn không cần phải dạy chúng lửa thì nóng rẫy còn cục kẹo thì thơm ngon; tự chúng đã biết điều đó. Việc tìm kiếm niềm vui và tránh né nỗi đau diễn ra hết sức tự nhiên và tự động như việc thở vậy.
Epicurus định nghĩa khoái lạc khác với hầu hết chúng ta. Ta nghĩ về khoái lạc như một sự hiện diện, điều mà các nhà tâm lý học gọi là tâm thế tích cực. Epicurus lại quan niệm khoái lạc là một sự thiếu vắng. Người Hy Lạp gọi trạng thái này là ataraxia, nghĩa đen là “sự không xáo động”. Khái niệm này chú trọng sự trống vắng của những mối lo âu hơn là sự hiện diện của bất kỳ điều gì gây thoả mãn. Khoái lạc không phải là trạng thái đối nghịch với nỗi đau mà là sự vắng mặt của nỗi đau. Epicurus không chủ trương đề cao việc mưu cầu khoái lạc, mà đúng ra, ông đi tìm cho mình sự “an lạc”.
Việc Epicurs gần như chỉ tập trung vào việc giảm nhẹ nỗi đau vấp phải sự phản đối kịch liệt của một số nhà tâm lý học. “Hạnh phúc dứt khoác không đơn thuần là sự vắng mặt của mọi khổ đau” tập san (nghiên cứu về hạnh phúc) chỉ ra. Nếu chưa biết về Epicurus, tôi hẳn đã đồng tình với ý kiến này, nhưng giờ thì tôi không khỏi phân vân. Thành thật với chính mình, tôi nhận ra điều tôi khao khát nhất không phải là danh tiếng hay của cải, mà là một sự bình an nội tại, hay “cái thú thanh khiết của sự sống”. Trạng thái này khó mà tìm được cách mô tả nào thoả đáng hơn ngoài “một sự vắng mặt”.
Tránh khỏi nỗi đau tuy là một lời khuyên hợp lý – tôi đồng tình cả hai tay – nhưng đây chẳng phải là một nền tảng quá ư nghèo nàn cho một triết lý sao? Nếu anh đang bị đau thì không đâu, Epicurus đáp lời. Hãy thử tưởng tượng anh bị ngã gảy chân. Một bác sĩ được triệu tập và ông ta lập tức dúi cho anh một cái tô chứa đầy nho. Thế thì có gì sai? Chẳng phải những trái nho đem đến nhiều niềm vui thú sao?
Epicurus tin rằng, nhiều người trong chúng ta sẽ rơi vào những tình huống ngớ ngẫn như thế. Ta đem những thú vui vặt vãnh đắp lên trên một cơn đau vĩ đại như quả núi và tự hỏi hà cớ gì mình hoài không hạnh phúc. Một số trải qua những cơn đau thể xác điếng người, một số khác lại khinh qua nổi đau tinh thần âm ĩ hoặc nỗi đau-muốn-chết-đi-được của một trái tim tan vỡ. Nhưng về bản chất chúng vẫn là cơn đau và là điều ta cần giải quyết mới mong đạt được toại lòng. Epicurus từng nói “ta chỉ sinh ra có một lần chẳng được lần hai” ông tin rằng mỗi đời người là một sản phẩm của sự may rủi, một ngã rẽ bất ngờ trong dòng chảy tinh vi, một dạng phép mầu trời ban. Chẳng phải đáng trân trọng lắm sao?
Epicurus có hẳn cả một hệ thống phân cấp ham muốn. Đứng đầu tháp phân loại là những ham muốn “tự nhiên và thiết yếu”. Một ly nước lọc tiếp tế sau chuyến lặn lội băng qua sa mạc chẳng hạn. Nấc tiếp theo là những khao khát “tự nhiên nhưng không thiết yếu” đơn cử như một ly rượu vang giản dị sau khi đã uống một ly nước lọc hậu hành trình sa mạc. Cuối cùng, ở dưới đáy tháp là thứ Epicurus gọi là ham muốn “trống rỗng”. Chúng chẳng tự nhiên cũng chẳng thiết yếu. Điển hình là một chai sâm panh đắt đỏ sau khi đã nốc cả ly rượu vang lẫn ly nước sau chuyến hành trình sa mạc. Epicurus cho rằng những ham muốn trống rỗng này là thủ phạm gây ra nhiều nổi đau nhất vì chúng khó mà thoả mãn nổi. “Thà nằm giường rơm mà vô lo vô nghĩ, còn hơn ngả lưng trên ghế vàng xa hoa mà vẫn không hết lao tâm khổ tứ”
Theo Epicurus, trên đời không chỉ có nhiều lạc thú khác nhau, mà chúng còn hoạt động ở những tốc độ khác biệt. Ở đây, ông phân biệt giữa hai dạng lạc thú tĩnh và động. Hành động làm dịu cơn khát bằng một cốc nước là lạc thú động. Cảm giác “đã khát” – sự thiếu vắng cơn khát – ta trải qua sau đó là lạc thú tĩnh. Hay nói cách khác, đang uống tức là đang hưởng lạc trong chuyển động, còn đã uống là hưởng lạc trong tĩnh tại.
Ta thường nghĩ khoái cảm động đem lại nhiều thoả mãn nhất, nhưng Epicurus lại không thấy vậy. Ông cho rằng khoái cảm tĩnh mới đem lại sự mãn nguyện vượt bậc, vì ta theo đuổi nó không vụ lợi. Hưởng lạc trong tĩnh tại chính là mục đích, không phải phương thức. “Tôi thấy trong người tràn ngập vui thú khi sống bằng bánh mì và nước” Epicurus nói, “và tôi khinh miệt những lạc thú của lối sống nhung lụa không phải vì bản thân chúng, mà vì những phiền muộn theo sau chúng.”
Cụ thể, có những cảm giác khó chịu nào theo sau một bữa ăn năm món tại một nhà hàng nổi tiếng cao cấp? Epicurus không bàn đến cảm giác vật lý – như khó tiêu, nôn nao vì xỉn rượu – mà chủ yếu đề cập đến một cơn đau ngấm ngầm hơn: nổi đau vì không có. Bạn đã ăn say sưa món cá hồi hoang dã Thái Bình Dương cuộn patê, nhưng niềm vui thú rất đỗi chân thực ấy giờ đây đã mất đi, và lần nữa bạn lại thèm thuồng. Bạn vừa giao trọng trách đi tìm hạnh phúc cho món cá hồi – và cả người ngư dân đánh cá lẫn nhà hàng đã phục vụ món cá, chưa kể vị sếp trả lương cho bạn để bạn có thể chi trả cho bữa ăn. Vậy là bạn đã chính thức trở thành một tên nghiện cá hồi cuộn patê và hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào số lần bạn được nếm món này. Mọi sự là do bạn đã nhầm lẫn giữa một ham muốn không thế thiếu với một ham muốn không thiết yếu.
Chúng ta được cho là đang sống trong một thời hoàng kim của khoái lạc. Đầy rẫy các lựa chọn trêu ngươi chỉ nằm cách ta một cú nhấp chuột: đồ ăn sành điệu, những bộ quần áo hàng hiệu đắt đỏ và vô số các thiết bị công nghệ. Epicurus cho rằng chúng đều là những mồi nhử của lạc thú. Và cũng như mồi nhử xịn, chúng trông y như thật, thành ra ta cứ nhè chúng mà ngắm bắn. Nếu nhắm trật đích, ta tự trách khả năng thiện xa yếu kém của mình và rồi tiếp tục lên đạn súng.
Đừng có đâm đầu vào mồi nhử nữa, Epicurus khuyên nhủ. Tốt hơn cả là đừng nhắm vào đâu hết. “Sự dư dật của ta không được tạo nên bởi thứ ta có, mà là thứ ta vui hưởng” ông nói, lưu ý rằng với một tư duy đúng đắn, kể cả với một lọ phô mai cũng có thể biến một bữa ăn giản dị thành một buổi tiệc sơn hào hải vị.
Epicurus tin rằng, một khi vượt qua một ngưỡng nào đó lạc thú không thể tăng lên nữa – cũng như một bầu trời đã chói chang không thể nào sáng sủa hơn – mà chỉ xuất hiện dưới muôn vẻ hơn. Một đôi giày mới hoặc một chiếc đồng hồ thông minh mới tượng trưng cho sự đa dạng lạc thú, thay vì gia tăng lạc thú. Tuy nhiên, toàn bộ nền văn hoá tiêu dùng của chúng ta lấy cơ sở từ giả định rằng, việc có những vui thú đa dạng hơn cũng tương đương với nâng cao niềm vui hưởng. Sự đánh đồng sai lệch này đã gây ra những đau khổ không cần thiết.
Không chỉ sự muôn hình vạn trạng của lạc thú ít quan trọng hơn ta tưởng, mà thời lượng của nó cũng thế. Mát xa 20 phút không hẳn sung sướng gấp đôi mát xa 10 phút. Sự an lạc là điều không thể nhân hai. Tâm hồn bạn hoặc đang thanh tịnh hoặc không.
Tuy lạc thú thì tuyệt vời còn đau đớn thì than trời, điều đó không có nghĩa là lúc nào ta cũng nên đặt lựa chọn vui thú lên trên nỗi đau. Có những lạc thú rồi đây sẽ dẫn ta đến đau thương và do đó ta chớ động đến. So ra, nỗi đau bị hành hạ bởi ung thư phổi đè bẹp cảm giác sảng khoái khi hút thuốc. Tương tự, nhiều cơn đau hôm nay cũng mở đường cho ta hưởng lạc trong mai đây và được khuyến khích cam chịu, như cảm giác nhức nhói trong phòng tập thể hình chẳng hạn.
Epicurus từng giáo huấn rằng, nghe có vẻ lạ lùng, nhưng ta có thể để lý trí dẫn đường đến khoái lạc. Nếu ta không hạnh phúc đó không phải do ta biếng nhác hay hỏng hóc. Ta đơn giản đã tính nhầm đường đi nước bước. Ta đã không giữ được thận trọng, hay “suy luận tỉnh táo” khi đong đếm lạc thú và nổi đau. Ta phải liên tục tính toán, ông gọi quá trình này là “soát lại lạc thú của mình” xem liệu lợi ích của một lạc thú có vượt xa nổi đau gây ra hay không?
Chủ nghĩa hưởng lạc theo trường phái Epicurus là triết học về sự chấp nhận và người anh em thân cận của nó, lòng biết ơn. Khi ta chấp nhận một điều gì đó, thực sự dung nạp nó, ta khó lòng không thấy cảm kích.
Nếu một điều tốt đẹp đến với bạn, hãy tận hưởng nó, hãy trân trọng nó, thay vì đuổi theo nó. Phước lành sẽ đến với những ai ít trông chờ nhất.